Bất động sản công nghiệp Việt Nam chờ cú hích từ Apple

Thị trường bất động sản tại các khu công nghiệp (KCN) được đánh giá còn rất nhiều tiềm năng để phát triển, nhất là khi có thông tin nhiều “ông lớn” công nghệ đang chuẩn bị chuyển nhà máy sản xuất sang Việt Nam, trong đó có hãng Apple.

 

 

Từ Google đến Microsoft

 

Khởi phát từ Trung Quốc, đại dịch COVID-19 giờ đây đã lan rộng khắp toàn cầu, với tâm chấn hiện đang tại Mỹ và các nước Tây Âu. Chính sách phong tỏa và giãn cách xã hội của các quốc gia nói trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch sản xuất của nhiều ngành công nghiệp, bao gồm cả công nghệ cao.

Thực tế cho thấy nhiều công ty lớn đặt nhà máy sản xuất và gia công không chỉ tại Mỹ hay các nước Tây Âu, mà còn ở một số nước châu Á. Một trong số đó là Trung Quốc, nơi đang có nhiều nhà máy lớn cung cấp nguồn linh kiện cho nhiều hãng lớn như Google, Apple, Microsoft,…

Virus corona bùng phát tại Vũ Hán, tạo nên đại dịch lớn nhất lịch sử thế giới, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của nhiều công ty. Một số “ông lớn” đang cân nhắc việc bớt phụ thuộc vào Trung Quốc đại lục. Cùng với COVID-19, cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc là hai yếu tố quan trọng thúc đẩy các công ty dịch chuyển dây chuyền sản xuất công nghệ của mình ra khỏi đất nước đông dân nhất thế giới này.

Trong khi đó, Việt Nam đang kiểm soát tốt đại dịch COVID-19, trở thành một điểm đến hàng đầu trong mắt các nhà lãnh đạo của Google, Microsoft. Thậm chí ngay cả trước khi virus corona hoành hành, đất nước hình chữ S đã được coi là một phương án quan trọng nhờ nhân công giá rẻ và có tay nghề cao, giá thuê mặt bằng dễ chịu, cùng lượng dân số đông với nhu cầu dành cho thiết bị công nghệ hiện đại ngày càng tăng lên.

 

 

Vào đầu năm 2020, tờ Nikkei Asian Review dẫn lời một nguồn tin cho biết Google chuẩn bị bắt đầu sản xuất Pixel 4A, mẫu điện thoại thông minh giá rẻ mới nhất của hãng, thông qua đối tác là các nhà máy Việt Nam ngay sau tháng 4/2020. Đồng thời, dòng điện thoại tiếp theo là Pixel 5 dự kiến cũng được thực hiện tại Việt Nam.

Hãng Microsoft cũng lên kế hoạch sản xuất các mẫu sản phẩm mới, bao gồm cả laptop và máy tính để bàn tại các nhà máy ở miền Bắc vào quý 2-2020. Một quan chức giấu tên cho hay sản lượng sản xuất tại đây ban đầu sẽ còn khiêm tốn, nhưng chắc chắn sẽ tăng lên và đây là hướng đi mà Microsoft mong đợi.

Phần lớn thiết bị điện thoại thông minh và laptop của cả hai hãng Google và Microsoft đã được sản xuất tại Trung Quốc trong suốt nhiều năm qua. Việc quá phụ thuộc vào quốc gia này từ lâu đã là vấn đề được các ông lớn công nghệ quan tâm, và cuộc chiến thuế quan cộng với đại dịch COVID-19 đã nhân đôi nỗi lo về việc tập trung sản xuất tại một nơi.

Vì thế, họ đã lên kế hoạch di chuyển các nhà máy của mình khỏi Trung Quốc. Ngay cả khi Bắc Kinh và Washington đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn đầu, cả hai ông lớn vẫn không cân nhắc lại quyết định.

Được biết, Google đã yêu cầu đối tác của mình chuyển đổi một nhà máy cũ sản xuất điện thoại Nokia tại Bắc Ninh, trong khi chấp nhận một nhà máy khác tại Vĩnh Phúc tham gia vào quá trình sản xuất điện thoại thông minh.

 

Tín hiệu từ Apple

 

Những ngày qua, dư luận xôn xao trước thông tin cho rằng hãng Apple đang dọn đường cho việc mở nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Động thái này đến từ việc hãng công nghệ có logo hình trái táo khuyết liên tục tuyển dụng nhân sự cho nhiều vị trí làm việc tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh kể từ tháng 2/2020 đến nay.

Các vị trí đang được tuyển dụng nhiều nhất bao gồm kỹ sư, quản lý cho các bộ phận phần mềm, màn hình, vận hành và phát triển sản phẩm. Website tuyển dụng của Apple đưa ra các yêu cầu như ứng viên phải có từ 3-5 năm kinh nghiệm, có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh… Mô tả chi tiết cho công việc cũng cho biết nhân sự được tuyển dụng sẽ tham gia trực tiếp vào quá trình phát triển sản phẩm, đảm bảo nguồn cung,…

Động thái này củng cố thêm cơ sở cho khả năng Apple sẽ di chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc, nơi khởi phát dịch bệnh do virus corona gây ra, khiến nhiều nhà máy phải đóng cửa. Địa điểm dừng chân có thể là Việt Nam, nơi có những lợi thế về logistics, lao động tay nghề cao nhưng giá rẻ.

Năm ngoái, Nikkei đã đưa tin Apple thử nghiệm sản xuất Airpod tại Việt Nam. Đây được xem là một nước đi của hãng này trong việc đa dạng hóa nơi sản xuất thiết bị thay vì quá tập trung vào Trung Quốc.

Được biết, GoerTek, một trong những đối tác sản xuất lớn nhất của Apple tại Trung Quốc, hiện đang có hai nhà máy tại Việt Nam, cụ thể ở KCN Quế Võ (Bắc Ninh). Miền Bắc là nơi nhiều “gã khổng lồ công nghệ” ưu tiên lựa chọn để mở nhà máy sản xuất.

 

Cơ hội cho bất động sản công nghiệp

 

Việc ngày càng nhiều các công ty công nghệ chọn Việt Nam làm điểm đến cho các nhà máy sản xuất của đang mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho thị trường bất động sản công nghiệp. Từ lâu, đây đã được xem là một mảnh đất màu mỡ, giàu tiềm năng với khả năng thu hút đầu tư nước ngoài.

Không cần nói đâu xa, ngay giữa đại dịch COVID-19 khi các hãng công nghệ lớn khốn đốn vì các nhà máy Trung Quốc phải đóng cửa, Samsung vẫn vận hành dây chuyền sản xuất bình thường nhờ các nhà máy đặt tại Bắc Ninh. Hãng này vẫn tiếp tục phát triển và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường nhờ nguồn cung được đảm bảo, góp phần giúp lợi nhuận được giữ vững trong bối cảnh toàn cầu lâm vào khủng hoảng.

 

 

Việt Nam với quỹ đất dành cho bất động sản công nghiệp ngày càng được mở rộng, đi kèm với đó là những lợi thế về chi phí cho thuê nằm ở mức tương đối rẻ trong khu vực, nguồn nhân lực dồi dào nhưng không hề thua kém bạn bè quốc tế về tay nghề.

Bên cạnh chi phí hoạt động thấp, Việt Nam đã giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ mức 22% xuống mức 20% vào năm 2016 cho tất cả các công ty nước ngoài để tăng cường thu hút đầu tư sản xuất kinh doanh. Các công ty trong các KCN cũng được hưởng nhiều ưu đãi, như miễn giảm thuế, miễn thị thực,…

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, những cái tên hứa hẹn được hưởng lợi nhiều nhất nếu các gã khổng lồ công nghệ đưa nhà máy vào Việt Nam sẽ là Tổng công ty cao su Việt Nam, Tổng công ty Kinh Bắc và Công ty cổ phần đầu tư, công nghiệp Tân Tạo.

Trong đó, Tổng công ty cao su Việt Nam sở hữu quỹ đất KCN lớn nhất khu vực miền Bắc, với khoảng 1.100 ha có sẵn để cho thuê. Nhiều lô đất trong số đó nằm tại các khu công nghệ cao, có cơ sở hạ tầng tốt, dễ dàng kết nối về giao thông.

Đối với Tổng công ty Kinh Bắc, họ có sẵn 540 ha đất cho thuê ngay, xếp thứ hai về quỹ đất tại miền Bắc. Đồng thời nhờ nguồn khách hàng sẵn có từ Foxcom và LG, công ty này hứa hẹn sẽ nhận được nhiều lợi ích từ làn sóng chuyển dịch nhà máy công nghệ từ các công ty công nghệ.

Còn với Công ty cổ phần đầu tư và công nghiệp Tân Tạo, việc phát triển cơ sở hạ tầng tại KCN Tân Tạo khi mở rộng tổng diện tích 904.047 m2 và KCN Tân Đức trên tổng diện tích 1.673.327 m2 tạo ra quỹ đất lớn cho việc cho thuê. Điều này sẽ góp phần giúp công ty miền Nam thu hút được nhiều vốn đầu tư từ các công ty nước ngoài.

Theo đánh giá của VNDirect, các công ty phát triển KCN vẫn có triển vọng do nhu cầu đất công nghiệp tăng mạnh, đặc biệt sau đại dịch COVID-19. Không chỉ liên quan đến hoạt động cho thuê bất động sản mà ở lĩnh vực chứng khoán cũng hứa hẹn sẽ có nhiều sự bứt phá.

Các mã cổ phiếu VGC, KBC và ITA tương ứng với ba công ty nói trên nhiều khả năng sẽ có sự tăng mạnh trong thời gian tới, một khi các nhà máy sản xuất của các gã khổng lồ công nghệ nước ngoài đặt chân đến thị trường Việt Nam.

Bảo Đình (Theo Cafef)

Xem phiên bản đầy đủ