Căn hộ chung cư sẽ dẫn dắt thị trường
Theo đề án Xây dựng chương trình phát triển nhà ở TP HCM giai đoạn 2021-2030 vừa công bố, thành phố sẽ đẩy mạnh mô hình nhà chung cư, tăng chỉ tiêu hệ số sử dụng đất ra các tuyến Metro để tận dụng hạ tầng.
Tại khu vực trung tâm hiện hữu và 22 quận huyện tập trung phát triển hình thức nhà ở chung cư cao tầng, đồng thời xây dựng hạ tầng phù hợp với quy mô của dự án để đảm bảo không gây quá tải lên hệ thống hạ tầng hiện hữu.
Trên thực tế, việc tăng tỷ lệ nhà ở chung cư cao tầng và giảm dần tỷ lệ nhà ở thấp tầng không phải là xu hướng mới. Vì trước đó, các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố cũng đã từng bước thay đổi cơ cấu dự án từ thấp tầng sang cao tầng theo định hướng của Chính phủ và chính quyền TP HCM.
Theo số liệu tổng hợp từ Sở Xây dựng Thành phố, giai đoạn 2011-2015 chung cư cao tầng chiếm tỷ lệ 90,6% trong tổng quy mô các dự án nhà ở trên địa bàn thành phố. Từ đó đến nay, việc xây dựng nhà chung cư tiếp tục trở thành xu hướng chủ đạo.
Đặc điểm của nhà chung cư là thường có giá thấp hơn so với nhà ở thấp tầng ở cùng vị trí tương đồng. Nhờ đó, người dân dễ dàng tiếp cận với mức giá của nhà chung cư hơn. Ngoài ra, việc xây dựng nhà chung cư còn giúp tiết kiệm quỹ đất của thành phố. Vì vậy, việc phát triển mạnh nhà ở chung cư tại các dự án là kết quả tích cực đạt được trong giai đoạn 10 năm trở lại đây.
Thị trường nhà chung cư TP HCM
Bên cạnh đó, TP HCM tính đến việc tăng tỷ trọng nhà ở cho thuê trong 30 năm tới để đáp ứng nhu cầu ở và khả năng chi trả của các đối tượng thu nhập thấp với nhiều hình thức thanh toán như thuê, thuê mua, mua. Trong những thập niên tới, thành phố ưu tiên, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển nhà ở cho thuê, nhà ở xã hội, nhà ở giá thấp, giá rẻ cho các đối tượng thu nhập thấp.
Đề án này cũng định hướng phát triển nhà ở theo từng khu vực tại TP HCM trong 3 thập kỷ tới. Theo đó, khu trung tâm hiện hữu bao gồm quận 1, 3 không chấp thuận chủ trường đầu tư dự án phát triển nhà ở nếu không có phương án hạ tầng đồng bộ với hạ tầng dự án và khu vực. Thành phố sẽ rà soát, điều chỉnh quy hoạch, tạo lập, xác định rõ quỹ đất phát triển nhà ở theo dự án của từng giai đoạn 5 năm.
Khu lõi trung tâm hiện hữu chỉ ưu tiên tăng chỉ tiêu quy hoạch như dân số, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng... cho các dự án cải tạo, xây dựng mới thay thế chung cư cũ trước 1975. Hạn chế phát triển các dự án mới đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng đến năm 2025 nếu chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng đảm bảo và phù hợp.
Trong khi đó, khu vực 11 quận nội thành gồm quận 4, 5, 6, 8, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Gò Vấp và Bình Thạnh tập trung chỉnh trang, nâng cấp đô thị theo hướng hiện đại.
Các quận 4, 5, 6, 11, Phú Nhuận có điểm chung là dân số giảm trong 10 năm trở lại đây, được định hướng hạn chế chấp thuận chủ trương thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới, chung cư cao tầng nếu chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng đảm bảo và phù hợp. Đối với quận 8,10, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp đẩy mạnh phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để kêu gọi đầu tư dự án nhà ở.
Khu vực 6 quận nội thành phát triển gồm quận 2, 7, 9, 12, Thủ Đức và Bình Tân được ưu tiên phát triển các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới, chung cư cao tầng dọc các trục giao thông công cộng lớn. Các địa bàn này sẽ bị hạn chế chấp thuận chủ trương thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới nếu chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đảm bảo.
Riêng 5 huyện ngoại thành gồm Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ được ưu tiên phát triển nhà theo dự án tại các thị trấn, khu dân cư nông thôn và khu vực đã có hệ thống hạ tầng kỹ thuật kết nối đồng bộ với những tuyến giao thông chính. Đây là các địa phương được định hình các khu du lịch kết hợp sinh thái nghỉ dưỡng, khu đô thị mới, khu đô thị vệ tinh.
Nguồn: VNExpress