Lý do bất động sản Vũng Tàu nóng dần lên
Bà Rịa-Vũng Tàu nằm trên trục hành lang phía Đông Nam dọc Quốc lộ 51, gồm chuỗi các đô thị Phú Mỹ, Bà Rịa, Vũng Tàu.
Từ đầu năm 2019, thị trường bất động sản (BĐS) ghi nhận tình hình chuyển hướng dần từ khu vực trung tâm các đô thị lớn ra các tỉnh, thành lân cận. Đơn cử như các địa phương như Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai… đang đón một làn sóng các nhà đầu tư đến để tìm kiếm cơ hội mới. Trong đó, Bà Rịa-Vũng Tàu có nhiều lợi thế bởi đi lên cùng sự tăng trưởng của ngành du lịch địa phương.
Khoảng một năm nay, Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành tâm điểm thu hút giới đầu tư kinh doanh BĐS. Nhiều nhà đầu tư lớn nhỏ như Hưng Thịnh, Eximrs, Danh Khôi, Đức Long Gia Lai… đã đổ về đây để tìm kiếm cơ hội. Kể cả đại gia Novaland cũng đã vào cuộc với một dự án khu nghỉ dưỡng ở đây. Đáng ngạc nhiên là một số tập đoàn, doanh nghiệp phía Bắc cũng tỏ ra quan tâm thị trường này như tập đoàn Tuần Châu, tập đoàn BRG, FLC… Điều tất yếu là khi có các nhà đầu tư đổ tiền vào làm dự án thì giá nhà đất cũng sẽ được “ăn theo”.
BĐS Bà Rịa - Vũng Tàu từ cuối năm 2018 đã bắt đầu tăng trưởng dù chưa tạo nên cơn sốt. Hiện nay nhà phố tại khu trung tâm Bà Rịa, Tân Thành, Châu Đức giá bán dao động từ 40-50 triệu đồng/m2. Với đà tăng trưởng từ 20-30% trong năm qua, BĐS Bà Rịa-Vũng Tàu đang được giới đầu tư đặt nhiều kì vọng.
Sở dĩ có được sức bật này thì ngoài lý do thị trường TP.HCM đã bão hòa, chính quyền địa phương đã có nhiều chính sách kêu gọi đầu tư hợp lý nhằm khai thác lợi thế ưu việt của một thành phố du lịch biển nổi tiếng của miền Nam.
Theo ghi nhận, doanh thu từ dịch vụ du lịch của Vũng Tàu năm 2018 đã tăng gấp đôi so với năm 2017. Không chỉ là điểm đến quen thuộc của người dân TP.HCM, các tỉnh miền Đông, Tây Nam bộ mà những năm gần đây Vũng Tàu cũng được du khách cả nước quan tâm.
Phối cảnh một dự án đang được phát triển tại Vũng Tàu.
Nằm trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam, lợi thế nổi bật của tỉnh là sự đột phá của hệ thống hạ tầng giao thông kết nối có thể kể đến như việc đưa vào hoạt động của cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, tàu cánh ngầm cao tốc Bến Tre - Mỹ Tho - Vũng Tàu và tuyến quốc lộ 51 đã được nâng cấp mở rộng.
Theo quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì Bà Rịa-Vũng Tàu thuộc tiểu vùng phía Đông, nằm trên trục hành lang phía Đông Nam dọc Quốc lộ 51, gồm chuỗi các đô thị Phú Mỹ, Bà Rịa, Vũng Tàu.
Về hạ tầng giao thông, tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành đang chuẩn bị đưa vào sử dụng sẽ kết nối toàn bộ khu vực miền Tây với Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu một cách dễ dàng. Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, đường cao tốc Xuyên Á, sân bay Quốc tế Long Thành, đường hầm xuyên biển nối Cần Giờ - Vũng Tàu… được quy hoạch cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, địa phương, khiến các nhà đầu tư tìm về. Tất yếu, nhu cầu về nhà ở, khu nghỉ dưỡng, văn phòng cho thuê cũng sẽ tăng lên mạnh mẽ.
Nhiều khả năng từ quý III năm nay thị trường BĐS Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ thực sự bước vào cơn sốt.
Theo Phapluat