Môi giới ngoại đua nhau lấn sân thị trường địa ốc Việt

Sự tham gia của các đơn vị môi giới ngoại vào thị trường Việt Nam đang tạo ra thế cạnh canh giữa khối ngoại và khối nội trong cuộc chiến chiếm lĩnh thị phần môi giới.

Những tên tuổi “ngoại”

Đầu tháng 7, nhà phân phối bất động sản Mỹ ERA Real Estate chính thức gia nhập thị trường Việt Nam. Dù mới ra mắt nhưng đơn vị này đã âm thầm mở 5 văn phòng giao dịch và một trụ sở thương mại tại các quận trung tâm TP.HCM với đội ngũ chuyên viên tư vấn hơn 300 người.

Để nhanh chóng thích ứng với thị trường trong nước, ERA Real Estate đã bắt tay với Tập đoàn Eurocapital có trụ sở tại Việt Nam với các ngành nghề kinh doanh về dịch vụ tài chính, tư vấn đầu tư và bất động sản.

Dù mới chân ướt chân ráo vào thị trường Việt Nam nhưng nhà môi giới Mỹ này đã công bố có rổ hàng hóa bất động sản cao cấp và hạng sang  như Empire City, Sunwah Pearl, Sonasea Villas & Resort Phu Quoc, Premier Village Phu Quoc Resort… từ các chủ đầu tư lớn.

Đại diện tập đoàn này bày tỏ tham vọng trở thành đơn vị phân phối bất động sản hàng đầu Việt Nam trong 5 năm tới với hơn 50 văn phòng giao dịch trên khắp các tỉnh thành trung tâm và sở hữu 5.000 chuyên viên tư vấn.

ERA Real Estate không phải là đơn vị môi giới nước ngoài hiếm hoi tại thị trường Việt Nam. Trước ERA, đã có nhiều công ty môi giới nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam. Có thể kể đến những cái tên như CBRE, Savills, Jones Lang LaSalle hay Cushman & Wakefield (đã sáp nhập với DTZ nhưng vẫn giữ lại thương hiệu Cushman & Wakefield), Colliers International, Knight Frank, Coldwell Banker,…

Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, nếu như các doanh nghiệp môi giới nội như Cen Group, Đất Xanh, Liên minh các sàn giao dịch bất động sản G5, Khải Hoàn Land, ,.. xuất hiện liên tục cùng với hoạt động mở bán các dự án thì dường như các tên tuổi ngoại dường như ít hiện diện hơn. Những đơn vị ngoại thường được nhắc đến với hoạt động chính trong lĩnh vực văn phòng, bán lẻ, quản lý hay phân phối dự án cao cấp. Hoạt động chủ yếu gắn với các đơn vị này vẫn là các báo cáo nghiên cứu thị trường công bố hàng quý.

Ai mạnh hơn ai?

Ông Trần Minh Long – Giám đốc điều hành Tập đoàn Cen Group Miền Nam cho biết, trước đây môi giới nội chưa được thừa nhận và hoạt động chưa có tổ chức bài bản nên môi giới ngoại nổi lên hẳn về tính chuyên nghiệp và thương hiệu. Thế nhưng từ khi Luật kinh doanh bất động sản 2006 ra đời thì hàng ngàn sàn giao dịch của các doanh nghiệp trong nước đã hình thành, hoạt động ngày càng chuyên nghiệp và bài bản hơn.

Ông Long cho biết, nhờ khả năng liên kết hệ thống toàn cầu nên môi giới ngoại đang có ưu thế hơn ở phân khúc bất động sản thương mại, văn phòng hạng A và bất động sản công nghiệp quy mô lớn dành cho các nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, môi giới nội chiếm ưu thế trong phân khúc bất động sản nhà ở, đất nền, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng và các trung tâm thương mại và văn phòng hạng trung.

Nếu ở các nước phát triển, bán hàng BĐS chủ yếu là “pull” (kéo) – khách hàng tìm đến sản phẩm thông qua hoạt động truyền thông quảng bá & uy tín thương hiệu từ Chủ đầu tư, thì ở thị trường Việt Nam các đơn vị bán hàng phải “push” (đẩy) bằng đội quân môi giới đông đảo đế đưa thông tin dự án đến từng khách hàng. Thị trường còn sơ khởi, việc áp dụng công nghệ vào tìm kiếm, mua bán bất động sản chưa phát triển nên cần một số lượng lớn nhân viên môi giới làm cầu nối, chính điều này đã tạo nên lợi thế của môi giới nội, ông Long nói.

Ở góc độ của một doanh nghiệp môi giới ngoại, bà Trang Bùi, Giám đốc Bộ phận thị trường Việt Nam JLL, nhìn ở toàn diện tất cả các phân khúc và dịch vụ trên thị trường thì khối ngoại đang chiếm ưu thế nhiều hơn.

Bà Trang đưa ra các lý do để giải thích cho nhận định này. Đó là các doanh nghiệp môi giới ngoại ở Việt Nam đa số hoạt động trên toàn cầu, nhờ đó họ có một mạng lưới rộng khắp. Bên cạnh đó, họ có thể mang kinh nghiệm ở các thị trường lớn vào một thị trường đang phát triển như Việt Nam. Cuối cùng, hoạt động chuyên nghiệp của môi giới ngoại là lợi thế giúp họ dễ tiếp cận khách hàng.

Hiện nay, khối ngoại chủ yếu tập trung vào các phân khúc như tư vấn đầu tư, cho thuê văn phòng, trung tâm thương mại, nhà xưởng khu công nghiệp, nghiên cứu thị trường, định giá và quản lý tài sản. Trong khi đó các doanh nghiệp nội lại có thế mạnh ở lĩnh vực môi giới nhà ở thuộc phân khúc vừa và phân khúc bình dân, bà Trang nói.

Trả lời câu hỏi vì sao các doanh nghiệp ngoại yên ắng trong thời gian gần đây, bà Trang cho rằng có thể do chiến lược của họ thay đổi, cũng có thể là họ sáp nhập. Một lý do nữa là ngành bất động sản có rất nhiều dịch vụ khác nhau, hiện nhiều doanh nghiệp ngoại chỉ tập trung vào mảng mà họ có lợi thế thay vì cung cấp tất cả các dịch vụ như lúc mới thâm nhập thị trường.

 

Xem phiên bản đầy đủ