Nhà Đất Bà Rịa - Vũng Tàu Bỗng Dưng Dậy Sóng
Nếu như cách nay khoảng hơn nửa năm, khoảng 150 - 200 triệu đồng có thể mua nền đất 100m2 ở các huyện vùng ven thành phố Vũng Tàu thì hiện nay khó có thể mua được.
Đất Nền Bà Rịa - Vũng Tàu
Giá đất tăng chóng mặt, cán bộ nhà đất làm việc tất bật
Nhiều sàn giao dịch nhà đất tại tỉnh này cho biết từ cuối năm 2017 đến nay, giá đất trên địa bàn hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh, đặc biệt là TP.Vũng Tàu, Huyện Tân Thành, Huyện Châu Đức, TP. Bà Rịa tăng mạnh, có nơi tăng từ 30-60%. Lượng hồ sơ mua bán, giao dịch bất động sản (BĐS) tại các địa phương trên cũng tăng cao.
Riêng tại TP.Vũng Tàu đã tăng từ 20-40%, thậm chí có nơi lên 50%. Tăng "nóng nhất" vẫn là khu dân cư Á Châu, dọc các tuyến đường như Lạc Long Quân, Phó Đức Chính, Trần Quý Cáp, Thùy Vân, Phan Chu Trinh, Hoàng Hoa Thám, khu vực xã Long Sơn…
Tại địa bàn các phường: 10, 11, 12, giá đất cũng nhảy vọt. Chị N. (đường Phạm Ngọc Thạch, phường 7) kể, chị vừa sang tay miếng đất gần 70m2 trong một con hẻm ở đường 30-4, phường 11 với giá gần 1 tỷ đồng. Trong khi giữa năm ngoái, một người bà con của chị bán một lô đất gần khu vực này chỉ được hơn 800 triệu đồng.
Còn tại TP. Bà Rịa, "cơn sốt" đất tập trung quanh các tuyến đường: Hùng Vương, Hương lộ 2, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt, xung quanh Bệnh viện Bà Rịa. Giá đất mặt tiền ở khu vực này hiện nay dao động ở mức từ 20-25 triệu đồng/m2, gấp từ 2-2,5 lần so với thời điểm trước Tết Mậu Tuất.
Khảo sát thị trường gần đây, được biết tại P. Kim Dinh, TP. Bà Rịa, nhiều khu đất phân lô chào bán giá 300 triệu - 400 triệu đồng/nền 100 m2 (cao gấp đôi so với cách nay khoảng một năm). Những khu đất chạy gần Quốc lộ 56 (tuyến tránh TP. Bà Rịa) đang thi công, giá còn tăng cao hơn. Chủ đất "hét" giá lên đến 500 triệu - 600 triệu đồng/nền 100 m2 (tăng gần gấp ba lần so với cách nay khoảng sáu tháng).
Các dự án phân lô ở khu vực huyện Tân Thành "cò" đất chào giá chênh lệch 350 - 500 triệu đồng/nền so với cách nay khoảng 6 tháng. "Đất ở đây giờ "sốt" lắm, anh mua đảm bảo ba tháng sau có lời. Công ty em bán lại cho", nhân viên một sàn giao dịch BĐS ở đây cam kết.
Chẳng hạn, một người dân cho biết vừa bán cho một khách hàng đến từ TP.HCM lô đất với giá 4,5 tỷ đồng (45 triệu đồng/m2). Chỉ 3 tuần sau, người này đã sang cho người khác với giá 5,5 tỷ đồng. Từ đó đến nay, miếng đất đã được sang tay cho 2 người nữa và giá hiện nay đã được người bán đẩy lên gần 6 tỷ đồng!
Tại huyện Châu Đức, cơn sốt đất tập trung chủ yếu gần các khu công nghiệp (KCN) và những tuyến đường đã có cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh. Điển hình là khu vực gần KCN Đô thị Châu Đức (xã Suối Nghệ và Nghĩa Thành). Sau nhiều năm chậm tiến độ do vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu năm 2018, chủ đầu tư dự án là Công ty CP Sonadezi bắt đầu đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng tại đây, trong đó có dự án sân golf và nhiều dự án thành phần bao gồm: Sản xuất công nghiệp, kho bãi, cảng ICD, thương mại, dịch vụ, khu vui chơi giải trí, công viên…
Việc dự án này tăng tốc đã khiến thị trường BĐS tại Châu Đức sôi động hẳn lên, giá đất nền, đất rẫy tăng mạnh. Tại đây, nhiều người dân đang chặt phá cây ăn trái, cây trồng lâu nằm để san lắp mặt bằng và rao bán với giá từ 20-35 triệu đồng/m2, những khu vực cách khu công nghiệp khoảng 2-4km, giá bán cao khoảng 5-20%. Một "cò" đất khu vực này cho biết đa số nhiều người có tiền từ TP.HCM xuống đây mua đất diện tích lớn để xây dựng các khu nhà trọ, nhà nghỉ hợp túi tiền cho thuê.
Tương tự, cơn sốt đất ở Long Sơn đã diễn ra từ giữa năm 2017 và gần đây trở nên sôi động hơn, khi Dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam khởi công. Bên cạnh đó, một số dự án khác trên địa bàn xã cũng đang rục rịch triển khai. Do đó, giới đầu tư bất động sản ồ ạt đổ về mua đất, đẩy giá tăng chóng mặt.
Nhiều nông dân thấy đất tăng giá mạnh đã cắt đất nông nghiệp của gia đình rao bán. Chị Nguyễn Th. H., (huyện Tân Thành) cho biết, gia đình chị có 1 sào đất nông nghiệp trồng tràm, ở thôn 2, xã Long Sơn. Đầu tháng 2, chị rao bán được hơn 1 tỷ đồng. "Lúc đó có rất nhiều người hỏi mua và tôi thấy giá cao nên bán nhanh. Ai ngờ, 3 tuần sau, giá lên đến 2,7 tỷ đồng. Nếu giữ lại thì ít nhất tôi cũng bán được hơn 2,5 tỷ đồng", chị Hạnh tiếc nuối.
Theo ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP. Vũng Tàu (thuộc Sở TN-MT), từ những tháng cuối năm 2017 đến nay, lượng hồ sơ mua bán chuyển nhượng đất tăng mạnh. Đơn cử như trong tháng 2/2018, TP. Vũng Tàu có hơn 500 hồ sơ nhà đất được chuyển nhượng mua bán, sang tháng 3 con số này tăng gần gấp đôi, đạt 956 hồ sơ, còn riêng nửa đầu tháng 4/2018, số hồ sơ chuyển nhượng cũng xấp xỉ gần 500. Trong khi đó, tổng lượng hồ sơ chuyển nhượng nhà đất trong tháng 2 và 3/2017 chỉ đạt hơn 1.300 hồ sơ.
Theo bà Ngô Thị Lộc Nhung, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Tân Thành, từ đầu tháng 3 đến nay, lượng hồ sơ mua bán, hiệu chỉnh thông tin, giao dịch nhà đất tăng mạnh, từ 250-300 hồ sơ/ngày. Lượng hồ sơ chuyển nhượng chủ yếu ở địa bàn thị trấn huyện Phú Mỹ và 2 xã: Mỹ Xuân, Hắc Dịch. Còn tại địa phương khác, lượng hồ sơ giao dịch nhà đất cũng tăng từ 20-30%.
Đi tìm nguyên nhân cơn sốt đất
Ông Mai Trung Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhận định rằng tiềm năng, lợi thế và nhu cầu giao dịch BĐS của tỉnh đang rất lớn và hiện nay, có nhiều nhà đầu tư có năng lực đang tìm hiểu một số dự án lớn như Paradise, khu du lịch Gò Găng, Nam Bà Rịa, Chí Linh - Cửa Lấp…để rót vốn đầu tư.
Cũng theo ông Hưng, khi tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, đường cao tốc Xuyên Á, cũng như sân bay Quốc tế Long Thành, Dự án xây bay lưỡng dụng tại xã Lộc An, huyện Đất Đỏ (do Công ty TNHH Dự án Hồ Tràm làm chủ đầu tư), Nhà máy Lọc hóa dầu Long Sơn khởi công, hình thành trung tâm đô thị Phú Mỹ (huyện Tân Thành)… mở ra nhiều tiềm năng cho thị trường BĐS của tỉnh.
Không chỉ vậy, Bà Rịa - Vũng Tàu còn được quy hoạch là trung tâm dầu khí, cảng biển hàng đầu của cả nước, trong đó cảng quốc tế Cái Mép là một trong 19 cảng trên thế giới có đủ khả năng tiếp nhận những tàu siêu trọng tải. Do đó, theo nhận định của ngành xây dựng và các chuyên gia trong lĩnh vực BĐS, trong thời gian tới, nhu cầu nhà ở dành cho các chuyên gia sẽ gia tăng nhanh chóng.
Quan trọng nhất, theo lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh này, cuối năm 2017, TP. Vũng Tàu đã hoàn thành 3 điều chỉnh quy hoạch quan trọng gồm: "Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Vũng Tàu", "Điều chỉnh quy hoạch đô thị" và "Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020". Theo đó, tương lai của TP. Vũng Tàu sẽ phát triển theo hướng không gian chủ đạo của một đô thị du lịch vùng duyên hải - đô thị sinh thái biển.
Chỉ trong một thời gian khá ngắn, tỉnh này nhận được sự quan tâm rất lớn của giới đầu tư, cùng với đó là những dự án có quy mô lên đến hàng tỷ USD từ những tập đoàn bất động sản và du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước.
Trong số những "tên tuổi lớn" đánh dấu sự hiện diện tại Vũng Tàu có Công ty TNHH Đầu Tư và Dịch Vụ BĐS Đất Phương Nam đang triển khai dự án đất nền Golden City Bà Rịa, Địa ốc Việt Hân; Công ty Bất động sản Nam Hải; Công ty Du lịch Sài Gòn – Bình Châu; Công ty địa ốc Thành Phát cũng vừa có đề xuất đầu tư dự án trung tâm hải sản kết hợp du lịch rộng hơn 300ha, tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng...
Nguồn tin từ Công ty CP Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Hưng Thịnh cho biết, tập đoàn này vừa chi ra cả ngàn tỷ đồng để mua đứt 4 dự án có quy mô khá lớn ngay trung tâm TP. Vũng Tàu. Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp) cũng đặt tham vọng đầu tư phát triển 4 dự án condotel trong năm 2018.
Mới đây nhất, Tập đoàn Tuần Châu báo cáo phương án đầu tư dự án Vũng Tàu Marina City tại TP. Vũng Tàu. Theo đó, "chúa đảo" Đào Hồng Tuyển - Chủ tịch HĐQT tập đoàn Tuần Châu đã đề xuất phương án đầu tư dự án tại vị trí ven biển dọc khu vực từ Bãi Trước đến Bãi Dâu, diện tích dự kiến sử dụng khoảng 345 ha, quy mô dân số dự kiến khoảng 7.500 người định cư và khoảng 12.000 lượt khách lưu trú/một ngày đêm.
Được biết có một "ông lớn" địa ốc trong nước khác từ năm 2017 cũng đã làm việc với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cùng với đề xuất đầu tư dự án nghỉ dưỡng kết hợp khu Safari rộng hơn 1.000ha tại khu vực Núi Dinh - nơi có đường bờ biển rất đẹp và khu vực núi đồi xanh bao quanh.
Mới đây nhất, Tập đoàn W.C.G Worldwide Holdings Inc, khi làm việc với lãnh đạo tỉnh này đã thể hiện mong muốn đầu tư một khách sạn 7 sao, villas, sân golf, bến du thuyền, casino, triển lãm, khu nghỉ dưỡng cho người cao tuổi, thủy cung, trung tâm mua sắm… nằm trên tuyến ven biển thuộc địa bàn huyện Xuyên Mộc, trên diện tích đất khoảng 400ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 5 tỷ bảng Anh.
Theo Trí thức trẻ