Quy hoạch đô thị ngầm: Cuộc chơi mới của các đại gia bất động sản

Năm 2020, tuyến metro ngầm đầu tiên ở TP.HCM (tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên) sẽ chính thức đi vào hoạt động. Hiện tại, TP.HCM đã có những đề xuất về quy hoạch đô thị ngầm với kỳ vọng mô hình này sẽ mở ra không gian sống mới trong tương lai cho người dân đô thị.

 

Hệ thống tàu điện ngầm đã trở thành một phần không thể thiếu của các đô thị lớn trên thế giới. Quy hoạch đô thị ngầm được hình thành song song với sự thịnh hành của các tuyến metro, kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của bất động sản thương mại dưới lòng đất.

Trên thế giới, một số công trình “bất động sản ngầm” tiêu biểu như thành phố ngầm Reso (Montreal, Canada) với hệ thống nhà hàng, cửa hàng quy mô lớn hay hệ thống bán lẻ lên tới hơn 81.000 m2 trải dài ở các quận Umeda, Namba và Shinsaibashi (Nhật Bản).

 

Theo TS Sử Ngọc Khương – Giám đốc Đầu tư Savills Việt Nam, xây dựng đô thị ngầm là khuynh hướng phát triển cho các thành phố lớn ở Việt Nam cũng như các nước trên thế giới. Đây là một xu thế tất yếu theo quỹ đạo phát triển đô thị hiện đại khi những thành phố lớn sẽ phát triển theo chiều dọc để vẫn có thể đảm bảo sự thuận tiện về thời gian đi lại cho cư dân.

Hiện tại ở TP.HCM, dù tiến độ thi công của hệ thống metro đầu tiên đang tạm thời chậm hơn so với dự kiến, nhưng quy hoạch đô thị ngầm bắt đầu từ những đồ án quy hoạch không gian ngầm đô thị đã là một mục tiêu phát triển tất yếu mà các nhà hoạch định đô thị đã đặt ra. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang nhắm tới phân khúc này bởi tiềm năng thương mại to lớn tại các khu vực xung quanh tuyến metro.

Ông Khương cho rằng một khi thành phố có được một không gian đô thị ngầm đi vào hoạt động ổn định, người dân thành phố sẽ có thêm không gian sinh hoạt và từ đó thay đổi thói quen tiêu dùng hàng ngày. Thực tế trên dẫn đến việc các cơ sở hoạt động kinh doanh cũng có thêm những cơ hội mới để mở rộng và phát triển, thay vì chỉ phải cố định vào các địa điểm trên mặt đất như hiện tại.

“Điều này cũng sẽ giúp thị trường bất động sản có thêm một mảng sản phẩm hoàn toàn mới đó là các mặt bằng không gian kinh doanh ngầm trong thành phố, tạo thêm sự sôi động cho thị trường. Hiện tại, những khu vực xung quanh tuyến metro như phố đi bộ Nguyễn Huệ, công viên 23/9, công viên Lê Văn Tám, cùng khu vực công viên Tao Đàn, sân vận động Hoa Lư… cũng đã nằm trong phân vùng quy hoạch đô thị ngầm”, ông Khương nói.

Ngoài ra, các sản phẩm bất động sản ngầm mới sẽ trở thành một đề tài nổi bật của thị trường khi đô thị ngầm được hình thành. Đây cũng chính là điểm thu hút các nhà kinh doanh bán lẻ, ăn uống và dịch vụ sẽ khi tiếp cận những địa điểm ngầm gần các khu vực công cộng có đông người dân qua lại, như ga tàu điện, để mở rộng hoạt động kinh doanh.

Điều này góp phần tạo ra sự đa dạng cho thị trường và bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng sẽ dành sự chú ý nhiều hơn đến việc tham gia vào các dự án ngầm như trung tâm thương mại, siêu thị, thậm chí là kho bãi công nghiệp, chuỗi cung ứng… Các yếu tố này sẽ giúp tạo ra nhiều hoạt động trên thị trường, từ đó góp phần mở rộng thêm các lợi ích, dịch vụ, sản phẩm mà các công ty kinh doanh, tư vấn bất động sản có thể khai thác.

“Vì đây là một bước tiến mới, hầu như chưa có tiền lệ của thị trường bất động sản Việt Nam, các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại thời điểm này sẽ còn khá cẩn trọng với loại hình sản phẩm mới từ đô thị ngầm này. Và dĩ nhiên, nếu xét về kinh nghiệm chinh chiến, các nhà đầu tư nước ngoài đương nhiên có nhiều kinh nghiệm hơn các nhà phát triển nội.

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận trên diện rộng, các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể bắt đầu nghiên cứu các thị trường đi trước, từ đó lên kế hoạch đón đầu xu thế phát triển tất yếu này. Sự cạnh tranh nội ngoại dù có khốc liệt, nhưng đây vẫn là tín hiệu tích cực về một thị trường sôi động, với những bước tiến đáng kể trong tương lai gần”, ông Khương nhận định.

Xem phiên bản đầy đủ