Tin tức thị trường
Bất động sản Bà Rịa - Vũng Tàu rục rịch dự án mới
(ĐTCK) Với những lợi thế về tiềm năng du lịch, kết nối hạ tầng thuận lợi với TP.HCM và các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ, Bà Rịa - Vũng Tàu đang là điểm đến đầy hấp dẫn của các ông lớn địa ốc.
Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương duy nhất miền Đông Nam Bộ có thể phát triển bất động sản nghỉ dưỡng biển
Siêu dự án sắp xuất hiện
Đầu tháng 9 vừa qua, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC cùng lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có cuộc khảo sát các địa điểm để đầu tư dự án bất động sản tại địa phương này.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đây là cuộc khảo sát thực tế các quỹ đất mà tháng 5 vừa qua, Tập đoàn FLC đã làm việc với tỉnh về việc xin chủ trương phát triển các dự án tại địa phương. Sau đó, lãnh đạo tỉnh yêu cầu FLC có phương án cụ thể trình lên tỉnh.
Cụ thể, FLC đề xuất xây dựng 3 siêu dự án, gồm Khu đô thị sinh thái Tây Nam TP. Bà Rịa (1.700 ha), Tổ hợp du lịch Núi Dinh, TP. Bà Rịa (813 ha), Vườn thú hoang dã Safari, TP. Vũng Tàu (526 ha).
Trong đó, FLC nêu lên ý tưởng quy hoạch Khu đô thị sinh thái Tây Nam TP. Bà Rịa thành một thành phố mới với kiến trúc cảnh quan gồm: Biệt thự cao cấp ven sông, khách sạn 5 sao, villas sân golf, quảng trường, resort nghỉ dưỡng, phố cảng thương mại, phố đi bộ, cảng - bến thuyền, khu nhà ở cao cấp, trung tâm hội nghị, sân golf, trung tâm thương mại, ga đường sắt, kênh thoát nước, khu công nghiệp dự kiến, trường tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông trung học.
Bà Rịa - Vũng Tàu hiện vẫn chưa xuất hiện dự án nghỉ dưỡng đẳng cấp để có thể thu hút và níu chân du khách. Ảnh: Gia Huy
Với Tổ hợp du lịch Núi Dinh, Tập đoàn FLC đề xuất xây dựng khu nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp kết hợp du lịch tâm linh, tạo thành khu du lịch đặc sắc và riêng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đồng thời nâng cao hạ tầng du lịch và điểm lưu trú vui chơi cho du khách trong và ngoài nước.
Với Vườn thú Safari, FLC đề xuất ý tưởng quy hoạch là tận dụng cảnh quan thiên nhiên sẵn có, bố cục các khu chức năng tại các vị trí hợp lý.
Về định hướng không gian kiến trúc cảnh quan, FLC đưa ra phương án hình thành 2 trục chính, đưa không gian thoáng của biển vào sâu trong dự án, đồng thời đa dạng hóa các loại hình du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và tham quan trải nghiệm gồm: Khu vực vườn thú ngày, khu vực vườn thú đêm, công viên vui chơi, sân golf 18 lỗ và biệt thự golf, khu nghỉ dưỡng sinh thái, khu đô thị du lịch, các dịch vụ ven biển.
Theo một lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, lãnh đạo FLC khảo sát thực tế các vị trí xin làm dự án đợt này để đưa công văn chính thức xin đầu tư để tỉnh xem xét chấp thuận.
Còn tại TP. Vũng Tàu, hiện cũng đang xuất hiện những dự án bất động sản mới được mở bán. Có thể kể đến Dự án The Sóng tại đường Thi Sách, TP. Vũng Tàu do Tập đoàn An Gia Investment làm chủ đầu tư. Dự án có tổng diện tích 8.816 m2, gồm loại hình sản phẩm là căn hộ du lịch cao cấp - thương mại - dịch vụ, văn phòng, shophouse với tòa tháp cao 35 tầng và 2 hầm, gồm 1.500 căn hộ du lịch và 10.000 m2 sàn thương mại.
Ngoài ra, Tập đoàn Hung Thịnh Corp cũng bắt đầu mở bán Dự án Vũng Tàu Pearl, mặt tiền đường Thi Sách, TP. Vũng Tàu. Dự án có diện tích 13,1 ha, gồm 4 block cao 33 tầng, với 1.787 căn hộ, trung tâm thương mại và căn hộ du lịch. Đây là dự án thứ 3 mà Hung Thịnh Corp phát triển tại TP. Vũng Tàu.
Tập đoàn Novaland cũng đang triển khai bán Dự án NovaWorld Bình Châu có quy mô khoảng 100 ha, tọa lạc tại Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vùng Tàu. Dự án này gồm các sản phẩm biệt thự nghỉ dưỡng, nhà phố, khu vui chơi giải trí…
Vẫn là ẩn số
Theo phân tích của giới đầu tư, thị trường bất động sản Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ thực sự phát triển từ năm 2018 tới nay sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch Vùng TP.HCM mở rộng, trong đó Bà Rịa - Vũng Tàu nằm trong 7 khu vực liên kết của TP.HCM.
Cũng từ đây, thị trường này được chú ý nhiều hơn từ các nhà đầu tư, dù trước đó cũng đã có khá nhiều nhà đầu tư “xí phần” đất, nhưng chưa triển khai phát triển dự án.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, động lực đầu tiên giúp Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển mạnh trong những năm qua bắt đầu từ câu chuyện về sự đột phá trong phát triển hạ tầng. Kể từ khi tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và Quốc lộ 51 mở rộng, khoảng cách di chuyển từ TP.HCM đến Bà Rịa - Vũng Tàu rút ngắn một nửa thời gian so với trước đây.
Đặc biệt, sắp tới đây, khi tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành đưa vào sử dụng, sẽ kết nối toàn khu vực miền Tây với Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, đường hầm xuyên biển nối Cần Giờ - Vũng Tàu… Việc khơi thông dòng kết nối không chỉ thuận lợi với các tỉnh miền Đông Nam Bộ, mà còn rất dễ dàng kết nối với miền Tây Nam Bộ.
Ngoài ra, Bà Rịa - Vũng Tàu còn có Cảng quốc tế Cái Mép, là một trong 19 cảng trên thế giới có đủ khả năng tiếp nhận những tàu siêu lớn. Tiếp đến là Dự án Sân bay quốc tế Long Thành được quy hoạch và từng bước hoàn thiện hình hài; tuyến cao tốc Biên Hòa - Bà Rịa…
Về đường hàng không, ngoài Sân bay Côn Đảo, thời gian tới, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến đầu tư thêm hai sân bay là Hồ Tràm và Gò Găng, khoảng cách giữa hai sân bay chưa tới 30 km. Ngoài ra, trong tương lai, khi Sân bay quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai) đi vào hoạt động sẽ kết nối trực tiếp tới Bà Rịa - Vũng Tàu với khoảng cách chỉ 40 km.
Cùng với liên kết giao thông, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Bà Rịa - Vũng Tàu cũng phát triển theo.
Còn theo ông Phạm Lâm, Giám đốc DKRA Vietnam, sở dĩ Bà Rịa - Vũng Tàu nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư địa ốc vì nơi đây hội đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để trở thành một thành phố công nghiệp, du lịch tiềm năng của miền Đông Nam Bộ.
Chính những yếu tố về hạ tầng, cũng như tiềm năng kinh tế trên là minh chứng mạnh mẽ cho sự phát triển vượt bậc của Bà Rịa - Vũng Tàu nói chung và TP. Bà Rịa nói riêng, giúp nơi đây trở thành điểm đến lý tưởng của rất nhiều nhà đầu tư bất động sản.
Tuy nhiên, giới quan sát thị trường bất động sản cho rằng, thị trường Bà Rịa - Vũng Tàu hiện vẫn chưa hiện rõ những cơ hội sinh lời. Đơn cử, về du lịch, thị trường này vẫn chưa có những khu du lịch lớn, đặc trung và là điểm nhấn của tỉnh.
Tiếp đó là khu trung tâm thương mại, mua sắm gắn liền với du lịch cũng chưa được xây dựng phát triển. Hiện tại. TP. Vũng Tàu chỉ có duy nhất một chợ đêm hải sản, chứ chưa có khu mua sắm và vui chơi đêm.
Ngoài ra, lượng khách quốc tế rất ít, lượng khách cũng đa phần tập trung vào TP. Vũng Tàu và ở những ngày cuối tuần. Các ngày trong tuần rất vắng khách du lịch, đây là hạn chế của thị trường du lịch của tỉnh.
Bên cạnh đó, hệ thống bãi biển của Bà Rịa - Vũng Tàu rất hạn chế, không đẹp. Ngay cả khu TP. Vũng Tàu cũng chỉ có hơn 3 km bãi biển, hệ thống bãi biển này vẫn thô sơ và chưa được cải tạo, xuất hiện tình trạng ô nhiễm môi trường thời gian qua.
Những yếu tố này chính là hạn chế khiến Vũng Tàu vẫn còn là một thị trường đầy ẩn số với nhà đầu tư trong thời gian tới, bởi bất động sản Bà Rịa - Vũng Tàu phần lớn gắn với du lịch, nghỉ dưỡng.
Gia Huy
Báo Đầu tư Bất động sản