Tin tức thị trường
Nên đánh thuế theo số m2 thay vì đánh thuế căn nhà thứ 2?
Đó là gợi ý của những người trong ngành ngay sau khi Bộ Tài chính có báo cáo chuyên đề về việc đánh thuế căn nhà thứ 2 trở đi.
Bộ muốn đánh thuế như thế nào?
Thời điểm cuối năm 2016, Bộ Tài chính nghiên cứu đánh thuế người có nhà thứ hai trở lên, theo quy định của Luật Thuế tài sản đã thu hút được đông đảo sự quan tâm của dư luận. Hầu hết giới chuyên gia cho rằng đây là việc phù hợp với sự phát triển của thị trường bất động sản và cũng đã được nhiều nước áp dụng từ lâu. Thế nhưng, việc đánh thuế như thế nào cũng cần có lộ trình và các cơ chế phù hợp, thỏa đáng.
Trước đây, trong quá trình xây dựng Luật Thuế nhà đất, Bộ Tài chính đã từng đưa ra 3 phương án đánh thuế nhà ở.
Theo đó, phương án 1 là chỉ thu đối với nhà thứ hai trở lên theo thuế tuyệt đối. Nhà dưới hai tầng không thu thuế, nhà từ hai tầng trở lên có mức thu là 2.000 đồng/m2/năm. Nhà cấp 3 và chung cư thu 1.000 - 4.000 đồng/m2/năm.
Phương án 2 là thu theo giá trị nhà, phần giá trị trên 1 tỷ đồng mới chịu thuế 0,03%.
Phương án 3 là thu thuế phần diện tích nhà trên 200 m2. Nhà cấp 4 không thu thuế, còn nhà hai tầng trở lên thì thu 2.000 - 4.000 đồng/m2/năm. Với nhà chung cư thì thu từ 1.000 - 3.000 đồng/m2/năm tùy loại nhà.
Gợi ý từ người trong ngành
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM |(Horea), việc đánh thuế căn nhà thứ 2 không nên áp dụng đối với nhà ở xã hội, nhà cấp 4 trở xuống ở nông thôn. Trước mắt cũng không thu thuế này đối với nhà ở tái định cư, nhà ở thương mại có giá trị dưới 1 tỷ đồng.
Bên cạnh đó không thu thuế này đối với các hộ gia đình nghèo dù đã có một căn nhà ở nhưng diện tích nhà ở dưới mức bình quân là 10m2/người nếu họ mua thêm căn nhà thứ 2, thứ 3 nhưng tổng diện tích các căn hộ nhỏ này không vượt quá 77m2.
Trong giai đoạn đầu nên áp dụng mức thuế suất vừa phải, phù hợp với sức dân. Đối với người có từ căn nhà thứ 2 trở đi thì áp dụng thuế suất bậc thang tùy theo số lượng và giá trị tài sản. Về lộ trình ban hành Luật Thuế tài sản, Hiệp hội đề nghị Bộ Tài chính vẫn thực hiện lộ trình ban hành Luật này trước năm 2020 như đã dự kiến trước đây.
Theo TS.Đinh Thế Hiển, bản chất của việc đánh thuế tài sản là đánh vào những người có tài sản. Do vậy, việc thu thuế ở đây không phải là thu thuế căn nhà thứ hai mà là thu thuế bất động sản.
“Do đó, nếu áp dụng đánh thuế tôi nghĩ nên quy định một người dân thì được bao nhiêu mét vuông nhà ở là nhu cầu đương nhiên, tùy theo ở đô thị hoặc ở nông thôn. Phần diện tích nhà trong quy định thì miễn thuế, còn lại đóng thuế”, ông Hiển gợi ý.
“Việc đánh thuế cũng cần đánh vào giá trị của bất động sản sở hữu và theo một tỷ lệ. Tỷ lệ đó chắc chắn sẽ thấp hơn, chỉ bằng 20% bất động sản đó đem đi khai thác cho thuê”, ông Hiển nói thêm.
Đánh thuế để chống đầu cơ
Theo Bộ Tài chính, Luật thuế này sẽ nhằm mục tiêu góp phần giúp cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, minh bạch, bền vững; phòng chống đầu cơ và sử dụng lãng phí bất động sản
Đồng thời, việc đánh thuế với đối tượng sở hữu căn nhà thứ 2 trở đi cũng góp phần dịch chuyển dòng tiền thay vì đầu tư vào bất động sản sẽ chuyển sang đầu tư vào sản xuất.
Ngoài ra, Luật thuế này còn hướng các nhà đầu tư thứ cấp đi vào lựa chọn thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thay vì kinh doanh cá thể như hiện nay.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ở nhiều nước thu từ thuế tài sản, đặc biệt thu từ thuế sử dụng đất là nguồn thu chủ yếu của ngân sách. Nguồn thu từ thuế tài sản chiếm khoảng 2% tại các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
Trong đó, Canada là 4%, Mỹ trong khoảng từ 1 đến 3%. Tại các nước đang phát triển, nguồn thu này chiếm khoảng 0,6% và tại các nước đang chuyển đổi nguồn thu này chiếm khoảng 0,68%.
Đây là loại thuế trực thu có khả năng huy động tương đối sát với khả năng đóng góp thực tế của người chịu thuế vì thuế đánh vào những tài sản cụ thể, trước hết là nhà và đất. Xu thế cải cách thuế tài sản trong thời gian gần đây tại một số nước như Canada, Úc, Malaysia,...