Tin tức thị trường
Thay đổi lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn
Tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đối với các tổ chức tín dụng sẽ áp dụng tỷ lệ 40% vào năm 2019 thay vì năm 2018 như Thông tư trước đó quy định.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014. Đây là lần thứ hai Thông tư 36 được sửa đổi.
Theo đó, từ ngày Thông tư có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2017, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 50%; tổ chức tín dụng phi ngân hàng là 90%.
Từ ngày 1/1/2018 đến hết ngày 31/12/2018, tỷ lệ này tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 45%; tổ chức tín dụng phi ngân hàng là 90%.
Từ ngày 1/1/2019, tỷ lệ này tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 40%; tổ chức tín dụng phi ngân hàng là 90%.
Như vậy, thay vì áp dụng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 40% vào năm 2018, NHNN quyết định lùi thời điểm này sang năm 2019. Năm 2018 sẽ áp dụng tỷ lệ 45%.
Với lộ trình dự kiến trên, các đối tượng có nhu cầu vay vốn trung dài hạn đặc thù như ở lĩnh vực bất động sản, tín dụng tiêu dùng, mua ô tô... sẽ chưa bị siết gấp.
Theo giải thích của NHNN, thay đổi lần này được đưa ra dựa trên cơ sở đánh giá tác động số liệu giám sát của NHNN và số liệu kinh tế vĩ mô, tình hình kinh tế các tháng đầu năm 2017, cũng như định hướng điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ trong những tháng cuối năm. Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2017, Thủ tướng cũng đã ra Nghị quyết giao NHNN xem xét, điều chỉnh mở rộng hạn mức tín dụng cho vay trung dài hạn của các tổ chức tín dụng.
Trước đó, vào ngày 27/5/2016, Thông tư 06/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014 quy định các giới hạn, tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng cũng đã chính thức được áp dụng với những thay đổi chính nằm ở tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn và hệ số rủi ro đối với một số lĩnh vực.