Tin tức thị trường
THỊ TRƯỜNG VŨNG TÀU BẤT NGỜ “THỨC GIẤC”
Gần đây, Vũng Tàu đã lọt vào tầm ngắm của giới địa ốc, hứa hẹn một cuộc “đánh thức” vùng đất này. Ngay sau khi “chúa đảo” Tuần Châu đề xuất dự án nghỉ dưỡng rộng gần 400ha thì Tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết cũng có kế hoạch xây dựng siêu dự án nghỉ dưỡng tại đây.
Ông Mai Trung Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nhận định, tiềm năng lợi thế và nhu cầu giao dịch BĐS của tỉnh rất lớn và hiện nay, có nhiều nhà đầu tư có năng lực đang tìm hiểu một số dự án lớn như Paradise, Gò Găng, Nam Bà Rịa, Chí Linh – Cửa Lấp…
Cũng theo ông Hưng, khi tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu, đường cao tốc Xuyên Á, cũng như sân bay Quốc tế Long Thành, Dự án xây bay lưỡng dụng tại xã Lộc An, huyện Đất Đỏ (do Công ty TNHH Dự án Hồ Tràm làm chủ đầu tư), Nhà máy Lọc hóa dầu Long Sơn khởi công, hình thành trung tâm đô thị Phú Mỹ (huyện Tân Thành)… mở ra nhiều tiềm năng cho thị trường BĐS của tỉnh.
Không chỉ vậy, Bà Rịa – Vũng Tàu còn được quy hoạch là trung tâm dầu khí, cảng biển hàng đầu của cả nước, trong đó cảng quốc tế Cái Mép là một trong 19 cảng trên thế giới có đủ khả năng tiếp nhận những tàu siêu trọng tải. Do đó, theo nhận định của ngành xây dựng và các chuyên gia trong lĩnh vực BĐS, trong thời gian tới, nhu cầu nhà ở dành cho các chuyên gia sẽ gia tăng nhanh chóng.
Quan trọng nhất, theo lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh này, cuối năm 2017, TP. Vũng Tàu đã hoàn thành 3 điều chỉnh quy hoạch quan trọng gồm: “Điều chỉnh quy hoạch chung TP.Vũng Tàu nhận diện các tiềm năng và các chiến lược phát triển”, “Điều chỉnh quy hoạch đô thị” và “Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020”. Theo đó, tương lai của TP. Vũng Tàu sẽ phát triển theo hướng không gian chủ đạo của một đô thị du lịch vùng duyên hải – đô thị sinh thái biển.
Trong các quy hoạch của TP. Vũng Tàu, điểm nhấn chung là cấu trúc phát triển không gian đô thị tiếp tục theo hướng cơ cấu phát triển các khu chức năng đô thị theo các trục đường xương sống.
Cụ thể, trục phát triển công nghiệp là đường 30-4, trục chính là đô thị 51B và trục du lịch là tuyến đường 3-2. Trục chính đô thị mới có hướng thấp dần và mở về phía biển. Hướng phát triển của không gian du lịch là vùng bờ biển phía Đông nối kết du lịch Vũng Tàu với du lịch Long Hải và Phước Tỉnh, kéo dài ra toàn vùng du lịch duyên hải Bà Rịa – Vũng Tàu, Cửa Lấp – Long Hải – Bình Châu.
Cũng theo quy hoạch này, để phát triển thành đô thị du lịch vùng duyên hải, TP. Vũng Tàu sẽ dành phần lớn từ quỹ đất phi nông nghiệp để phát triển hạ tầng, nối liền TP. Vũng Tàu với các tỉnh khu vực duyên hải Nam bộ thông qua hệ thống đường bộ, bến xe, hệ thống cảng, đường sắt, sân bay.
Cụ thể với hệ thống cảng, TP. Vũng Tàu quy hoạch khu cảng Vũng Tàu – Sông Dinh với 8 cảng có công suất 13,65 triệu tấn/năm vào năm 2020 trong đó cảng trọng điểm là Sao Mai – Bến Đình. Ngoài ra, thành phố cũng chú trọng khai thác tiềm năng cảng biển nước sâu của vịnh Gành Rái và phát triển cảng biển phù hợp với không gian công nghiệp – cảng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (khu vực sông Thị Vải – Phú Mỹ – Cái Mép phía Tây của QL51).
Ghi nhận thực tế cho thấy, trong thời gian gần đây, Vũng Tàu nhận được sự quan tâm rất lớn của giới đầu tư, cùng với đó là những dự án có quy mô lên đến hàng tỷ USD từ những tập đoàn bất động sản và du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước.
Mới đây nhất, UBND tỉnh chủ trì cuộc họp Thường trực UBND tỉnh để nghe Tập đoàn Tuần Châu báo cáo phương án đầu tư dự án Vũng Tàu Marina City tại thành phố Vũng Tàu. Theo đó, “chúa đảo” Đào Hồng Tuyển – Chủ tịch HĐQT tập đoàn Tuần Châu đã đề xuất phương án đầu tư dự án Vũng Tàu Marina City tại vị trí ven biển dọc khu vực từ Bãi Trước đến Bãi Dâu, thành phố Vũng Tàu, diện tích dự kiến sử dụng khoảng 345 ha, quy mô dân số dự kiến khoảng 7.500 người định cư và khoảng 12.000 lượt khách lưu trú/một ngày đêm.
Mục tiêu của dự án là xây dựng Khu đô thị cảng, du lịch đa chức năng, hiện đại, hài hòa cảnh quan thiên nhiên, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân địa phương và du khách trong và ngoài nước; xây dựng một hệ thống cảng du thuyền hiện đại, kết nối với các cảng du thuyền trong nước và thế giới.
Tiếp theo đó, đại diện ban giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC đã có buổi làm việc trực tiếp với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, với mong muốn tiếp cận các dự án đầu tư tại tỉnh, đặc biệt về lĩnh vực đầu tư quần thể nghỉ dưỡng bãi biển, nông nghiệp công nghệ cao.
Theo tìm hiểu, FLC cũng đang “nhắm” đến việc hợp tác đầu tư hoặc thâu tóm các dự án lớn trọng điểm của tỉnh đang đưa ra kêu gọi đầu tư. Được biết có một “ông lớn” địa ốc trong nước khác từ năm 2017 cũng đã làm việc với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cùng với đề xuất đầu tư dự án nghỉ dưỡng kết hợp khu Safari rộng hơn 1.000ha tại khu vực Núi Dinh – nơi có đường bờ biển rất đẹp và khu vực núi đồi xanh bao quanh.
“Thực tế cho thấy, với bờ biển dài 305km, có nhiều bãi tắm đẹp, Bà Rịa – Vũng Tàu từ lâu được ví như “trái tim của du lịch biển” ở khu vực miền Đông Nam Bộ. Cộng thêm sự bứt phá mạnh mẽ trong phát triển hạ tầng kết nối liên vùng đã khiến Bà Rịa – Vũng Tàu có nhiều tiềm năng phát triển hơn bao giờ hết”, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, nhận xét.
Còn theo ông Michael Kelly, Chủ tịch cấp cao kiêm CEO The Grand Hồ Tràm Strip, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được xem là “cái nôi” của du lịch miền Đông Nam bộ. Mỗi năm, nơi đây đón hàng chục triệu lượt khách du lịch và số lượng khách dự báo sẽ còn tăng nữa khi các cấp, các ngành… đang nỗ lực cải thiện môi trường du lịch, đầu tư của địa phương. Bên cạnh đó, giao thông kết nối giữa địa phương với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thuận tiện, chắc chắn sẽ hấp dẫn giới đầu tư vào BĐS nói chung và BĐS nghỉ dưỡng du lịch nói riêng.
“Chính vì tiềm năng phát triển to lớn như vậy, tập đoàn chúng tôi trong năm 2017 cũng đã trình các đề xuất đầu tư dự án sân bay lưỡng dụng để phục vụ lượng khách du lịch đang ngày một tăng từ khắp nơi đến khu vực này”, vị này cho biết thêm.
Theo Nhịp sống kinh tế